88 Đường Bàu Cát 3, Phường 14, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
0938529527

Các nội dung mới cần phải có trong Nội quy lao động

Theo khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hướng dẫn cụ thể các nội dung cần phải có trong nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 gồm có các nội dung như sau:

Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.

nội quy lao động 2021

(1) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

Quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương;

(2) Trật tự tại nơi làm việc:

Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động;

(3) An toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: 

Trách nhiệm chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc;

(4) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

Trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: người sử dụng lao động quy định về phòng, chống quấy rối tình dục theo quy định tại Điều 85 Nghị định 145/2020; (Nội dung mới bổ sung)

(5) Bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động:

Quy định danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ; trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ tài sản, bí mật; hành vi xâm phạm tài sản và bí mật;

(6) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động:

Quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động; (Nội dung mới bổ sung)

(7) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

Quy định cụ thể hành vi vi phạm kỷ luật lao động; hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm;

(Quy định chi tiết hơn so với quy định hiện hành tại khoản 5 Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP).

(8) Trách nhiệm vật chất:

Quy định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản; do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức; mức bồi thường thiệt hại tương ứng mức độ thiệt hại; người có thẩm quyền xử lý bồi thường thiệt hại;

(Quy định chi tiết hơn so với quy định hiện hành tại khoản 5 Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP).

(9) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động:

Người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động. (Nội dung mới bổ sung)

Nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ người lao động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

>>>Xem thêm: 03 Điểm mới về mức lương tối thiểu kể từ ngày 01/01/2021

Rate this post

Related posts

Leave a comment

0938529527